VĂN HỌC TRUNG QUỐC

 
Văn học Trung Quốc được chia thành văn học cổ điển, văn học hiện đại và văn học đương đại. Trong số đó, thơ Đường và từ Tống cùng với "Tứ đại danh tác" của văn học cổ điển có ảnh hưởng sâu rộng nhất. Những bài thơ thời nhà Đường, từ thời nhà Tống và tiểu thuyết thời nhà Minh Thanh là những viên ngọc trong lịch sử văn học Trung Quốc. "Tứ đại danh tác" của văn học cổ điển Trung Quốc bao gồm các tiểu thuyết  "Thủy Hử", "Tam Quốc Diễn Nghĩa", "Tây Du Ký" và "Hồng Lâu Mộng".  Bốn tác phẩm vĩ đại này là bốn kiệt tác kinh điển trong lịch sử văn học Trung Quốc, đồng thời là di sản văn hóa quý giá của nhân loại. Từ thời hiện đại, Trung Quốc cũng có nhiều tác phẩm văn học xuất sắc được lưu truyền, như các bài tạp văn và truyện ngắn của Lỗ Tấn đều có ảnh hưởng sâu sắc.

Thi Nại Am (1296 - 1370) là tác giả của tiểu thuyết "Thủy hử". "Thủy hử"" là tiểu thuyết đầu tiên có kết cấu chương hồi sử dụng tiếng bạch thoại cổ viết nên, ca ngợi cuộc nổi dậy của nông dân. Nội dung chính của tiểu thuyết xung quanh việc Tống Giang lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, với hàng loạt chi tiết các anh hùng Lương Sơn chống lại sự áp bức, câu chuyện về cuộc đấu tranh anh dũng, phơi bày sự suy tàn và thối nát của giai cấp thống trị vào cuối thời Bắc Tống, vạch trần những mâu thuẫn xã hội gay gắt của thời đại và hiện thực tàn khốc "quan áp bức buộc dân phải vùng lên". Bộ phim phỏng theo tiểu thuyết cũng được đông đảo người xem đón nhận.

La Quán Trung (khoảng 1330 - 1400) là tác giả của tiểu thuyết "Tam quốc diễn nghĩa", là tiểu thuyết dạng chương hồi đầu tiên của Trung Quốc. "Tam quốc diễn nghĩa" chủ yếu nói về câu chuyện chiến tranh, xoay quanh cuộc tranh giành về quân sự và chính trị giữa ba nước Vệ, Thục và Ngô. Cuối cùng, Tư Mã Viêm đã thống nhất ba nước, thành lập nhà Tấn. Bộ tiểu thuyết này đã phản ánh lịch sử gần một trăm năm từ cuối triều Đông Hán đến đầu triều đại Tây Tấn đầy phong ba bão táp và xây dựng thành công một nhóm hình tượng anh hùng lẫm liệt.

Ngô Thừa Ân (1501 - 1582) là tác giả tiểu thuyết "Tây du ký" . Tác phẩm này dựa trên câu chuyện dân gian về Đường Tăng đi thỉnh kinh. Bảy hồi đầu của tiểu thuyết kể về câu chuyện Tôn Ngộ Không ra đời, đại náo thiên cung... Sau đó kể chuyện Tôn Ngộ Không phò tá Đường Tăng đi thỉnh kinh, trên đường đi vượt qua đủ mọi loại yêu quái và chiến thắng mọi thử thách khó khăn. Trong tiểu thuyết, hình tượng nhân vật Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Chu Bát Giới, Sa Tăng đều được mô tả hết sức sinh động, quy mô câu chuyện đồ sộ, kết cấu hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, tác phẩm này còn có màu sắc Phật giáo rõ nét, có nghĩa ý sâu sắc, thu hút sự thảo luận sôi nổi với rất nhiều ý kiến lí giải khác nhau. Có thể từ các góc độ Phật giáo, Đạo giáo và đời thường để đánh giá. "Tây du ký" là tiểu thuyết theo chủ nghĩa lãng mạn vĩ đại của văn học cổ điển Trung Quốc. Vào thời nhà Minh, "Tây du ký" từng bị liệt vào dạng sách cấm bởi những tư tưởng kính Phật bài Đạo trong tiểu thuyết có sự mẫu thuẫn với tín ngưỡng Đạo giáo mà hoàng đế bấy giờ tôn sùng.

Tào Tuyết Cần (1715 - 1763) là tác giả tiểu thuyết "Hồng lâu mộng". Đây là một câu chuyện xoay quanh những con người, câu chuyện và sự vật trong một gia đình phong kiến tại một triều đại hư cấu. Trong đó vướng mắc tình cảm phức tạp giữa Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa là nội dung chính của truyện. Thông qua hàng loạt chi tiết mô tả cuộc sống thường ngày, đã phản ánh tình yêu và thù hận của 12 người phụ nữ trong cuộc sống vương phủ. Đồng thời, kể lại quá trình của một đại gia tộc từ cảnh quan phủ giàu có quyền thế suy tàn tới bước bại hoại và nội tại xấu xí thối nát bên trong vẻ ngoài đẹp đẽ của gia tộc đó. "Hồng lâu mộng" là một bộ tiểu thuyết dạng bách khoa toàn thư, lấy trung tâm là xã hội quý tộc thượng lưu, phản ánh một cách chân thực và sinh động xã hội phong kiến vào nửa đầu thế kỷ thứ mười tám ở Trung Quốc. Nó đã vận dụng đầy đủ các kỹ thuật truyền thống đặc sắc của các loại hình văn học nghệ thuật như thư pháp, hội họa, thơ từ, ca phú, âm nhạc... để kể lại một tấn bi kịch của con người trong xã hội. "Hồng lâu mộng" đạt tới đỉnh cao vượt bậc của tư tưởng nội dung lẫn nghệ thuật. Nó không chỉ là "đỉnh cao khó có thể vượt qua của văn học tiểu thuyết Trung Quốc", mà còn nhận được sự coi trọng và nghiên cứu của học giả nhiều nước trên thế giới. Giới học thuật đã sinh ra một bộ môn lấy "Hồng lâu mộng" làm đối tượng nghiên cứu mang tên Hồng Học.